Gốm Chu Đậu – Mỹ Xá hay còn được gọi chung là Gốm Chu Đậu, có xuất xứ từ một làng gốm cổ truyền thuộc thông Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Đây là một dòng gốm cổ cao cấp và là cái nôi của nghề gốm Việt Nam. Chu Đậu là một làng quê nhỏ, nghèo nàn, nằm nép bên dòng sông Thái Bình nổi tiếng với làng nghề dệt chiếu cói lại ít ai biết đến nơi đây từng là cái nôi sản sinh ra một dòng gốm cổ, đánh dấu một thời kì vàng son của nghề gốm Việt thế kỷ 15, 16. Với bao thăng trầm lịch sử, đỉnh điểm có giai đoạn gần như thất truyền và biến mất trong trí nhớ người Việt, sau ba thế kỷ dòng gốm Chu Đậu đang dần hồi sinh, và chiếm giữ một vị trí quan trọng trong tinh hoa gốm cổ truyền Việt Nam.
Lịch sử gốm Chu Đậu – Tinh hoa văn hóa Việt
Tuy là dòng gốm cổ nhưng hiện nay hầu như không có ghi chép nhiều về dòng gốm Chu Đậu. Tuy không có nhiều ghi chép nhưng có thể xác định gốm Chu Đậu có thể được hình thành và phát triển từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18 (có nguồn nói nghề gốm Chu Đậu biến mất vào thế kỷ 16, thời kỳ chiến tranh Mạc Lê). Theo các nhà khoa học, khi chiến tranh Trịnh-Mạc xảy ra, vùng Nam Sách trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị tàn phá dẫn đến sự suy tàn của nghề gốm cổ truyền nơi đây.
Mãi cho đến năm 1980, ông Makoto Anabuki, là cán bộ ngoại giao Nhật Bản tại Tokyo, nhân một lần sang công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được xem một chiếc bình gốm hoa lam tuyệt đẹp tại Bảo tàng Topkapi Saray Istambul. Trên chiếc bình có đề: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, Bùi Thị Hý bút”.
Và sau sự việc khảo sát và khai quật tàu đắm tại Cù Lao Chàm, và các di tích tại Chu Đậu và Mỹ Xá, đã phát hiện ra rất nhiều hiện vật còn tồn tại còn tồn tại cho đến hôm nay. Điều đó càng khẳng định thêm lịch sử vàng son của nghề gốm Chu Đậu.
Hiện nay, 46 bảo tàng trên thế giới đang trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu. Trong những cuộc bán đấu giá, chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm tại bảo tàng Topakisaray đã được trả giá tới 1 triệu USD.
Sau 20 năm dòng gốm Chu Đậu đang được hồi sinh và đã có nhiều sản phẩm được đưa đi khắp thế giới.
Những nét độc đáo của gốm Chu Đậu
Gốm Chu Đậu là dòng gốm nổi tiếng vì màu men và họa tiết thuần Việt. Có thể gọi gốm Chu Đậu là gốm đạo vì hoa văn trên sản phẩm mang đậm những giá trị nhân văn của Phật Giáo và Nho Giáo.
Gốm Chu Đậu nổi tiếng vì “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”. Từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí… đều thuần Việt và đạt đến trình độ cao.
Men gốm Chu Đậu rất phong phú
Men gốm Chu Đậu có nhiều loại như men ngọc, men nâu, men trắng, men lục. Đặc biệt nhất là men trắng chàm (men trắng trong với hoa văn màu xanh) và men tam thái (men trắng trong với hoa văn ba màu vàng, đỏ nâu và xanh lục).
Men trắng chàm và men tam thái nổi danh và được ưa chuộng hơn cả. Men trắng chàm (nền men trắng, hoa văn màu xanh biếc) chiếm số lượng cao nhất. Các món đồ vớt được ở ngoài khơi Ðà Nẵng – Hội An cũng đều là men trắng chàm. Do đó, khi nói về đồ gốm Chu Ðậu, người ta chỉ thường biết về loại này mà ít để ý đến các loại men khác. Loại đồ gốm Chu Ðậu hạng nhất này nhiều món đẹp tuyệt vời, bứt xa đồ nhà Minh, và đẹp không kém gì đồ gốm men lam của nhà Thanh bên Tàu.
Kiểu dáng hoa văn của gốm Chu Đậu
Chủ đề trên gốm Chu Đậu thường gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống của người dân đồng bằng Bắc Bộ thưở xưa: cây đa, bến nước, sân đình…
Về hình dạng thì đồ gốm Chu Đậu khá phong phú, thường thấy những sản phẩm như Bát chân cao, bát chân thấp, tô, đĩa, chén, tước, bình, ấm, âu, chậu, lu, hũ, bát hương, bát trầm, chân đèn, hộp, lọ, bình vôi, nghiên mực, có cả nghiên mực hình con trâu, con cua, rồi lại còn đồ chơi của trẻ em như các hình tượng con gà, con cóc, con lợn, người cưỡi ngựa…, từ các món đồ dùng trong nhà người dân, trong đình chùa, trong nhà giới trưởng giả, cho đến đồ xuất khẩu.
Trong những lần khai quật, thì không nên bỏ qua bình Tỳ Bà – Bình có hình dán giống cây đàn tỳ bà dựng đứng, mình thuôn tròn, cổ nhỏ, miệng loe, thân tròn phình to, thường có bốn tầng hoa văn, trong lòng miệng bình cũng có hình vẽ hoa lá.
Xem thêm: Hoa lay ơn và một số lọ hoa lay ơn đẹp
Tước (hay bôi) là ly uống rượu chân cao, thường có những loại tước men ngọc màu xanh trong, tước thần kim quy. Ẩn trong chân tước này là một quả nổi để lộ hình rùa thần kim quy ngồi dưới đáy, khi rượu được rót vào, thì hình thần kim quy từ từ nổi lên theo mực rượu trong lòng tước.
Đĩa gốm Chu Đậu khá đa dạng, thường thấy nhất là men trắng chàm và men tam thái với kích thước đường kình từ 25-50cm. Với những hoa văn mang đậm chất Việt như con công, con vạc, cá chép…
Quy trình sản xuất gốm Chu Đậu hiện nay
Để sản xuất được những sản phẩm gốm Chu Đậu, không thể bỏ qua được nguyên liệu chính là đất sét Trúc Thôn – nguồn nguyên liệu đặc biệt tạo nên độ bền và vẻ đẹp riêng cho các sản phẩm.
Sau đó người nghệ nhân tiến hành đổ khuôn tạo hình, sấy khô, tiện, vẽ và đưa sản phẩm vào lò nung. Lò nung là lò than thủ công có mức nhiệt cao trên 1000 độ C. Nhờ quy trình sản xuất này mà làng gốm Chu Đậu đã cho ra đời các sản phẩm có độ tinh xảo và giá trị nghệ thuật cao.
Ngày nay kỹ thuật sản xuất gốm Chu Đậu đã được cải tiến khá nhiều, việc nung gốm sứ đã chuyển qua lò nung bằng gas với dây chuyền công nghệ hiện đại.
Ngoài ra kỹ thuật vẽ vàng 24k trên nền chất liệu gốm cổ đã mang lại những tác phẩm nghệ thuật giá trị cao, mang ý nghĩa phong thủy sâu sắc.
Ở Chu Đậu hiện nay không còn những lò gốm thủ công như một số làng gốm có tiếng khác ở đồng bằng Bắc Bộ, tuy nhiên, tinh hoa gốm Chu Đậu vẫn không ngừng được bồi đắp và phát triển bởi lớp hậu duệ của cụ Bùi Thị Hý.
Vào cuối năm 2019, làng gốm Chu Đậu đã được công nhận là điểm du lịch làng nghề của tỉnh Hải Dương.
Với những nỗ lực không mệt mỏi nhằm hồi sinh gốm Chu Đậu của các nhà khảo cổ học, các nhà khoa học, những nghệ nhân họa sỹ, hy vọng những sản phẩm gốm Chu đậu ngày nay sẽ tìm lại một thời vàng son đã qua cho làng gốm Chu Đậu để không ai, không điều gì nơi đây bị quên lãng