Vào thuở ban sơ, những công cụ của con người đều bắt nguồn từ tự nhiên như cục đá hay mảnh xương động vật. Dần dà, bằng vào kinh nghiệm sống, người nguyên thủy nhận ra một điều, đất sét khi nung qua lửa có thể cho một sản phẩm rắn và bền hơn. Và đồ gốm bắt nguồn từ thời gian đó.
Gốm là gì? Lịch sử hình thành của gốm
Gốm là một loại vật dụng được sử dụng trong gia đình, công trình xây dựng,… xuất hiện từ khoảng 2 vạn năm trước khi con người mới phát minh ra lửa. Gốm chủ yếu làm từ đất sét, nước và một số thành phần của đất, thông qua bàn tay con người mà tạo nên những hình dạng mong muốn.
Trong nền văn hóa của các nước trên thế giới, thì đồ gốm sẽ có một thời điểm ra đời khác nhau, nhưng có thể nói việc phát minh ra nghề làm gốm được cho là một công trình vĩ đại của chính dân tộc đó.
Phân loại đồ gốm
Ngày nay, đồ gốm thuờng được phân thành 5 loại như gốm đất nung, gốm sành nâu, gốm sành xốp, gốm sành trắng và đồ sứ.
Tuy nhiên, nếu xét về quá trình sản xuất thì nên phân thành hai loại gốm : Gốm cổ điển và Gốm không nung.
- Gốm cổ điển sau khi được nghệ nhân tạo hình xong, sẽ được mang nung ở nhiệt độ cao trong thời gian khá dài từ 20-30 giờ liên tục.
- Gốm không nung được hình thành dưới nguyên lý hóa thạch (Hóa thạch thụ động, hóa thạch chủ động và hóa thạch hỗn hợp) sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng cao mà giá thành khá thấp.
Đặc điểm, tính chất của gốm
Thông thường sau khi được nung, thể tích của gốm sẽ giảm từ 5-18% so với thể tích ban đầu.
Gốm có độ rắn cao và trọng lượng nhẹ hơn thép, nên thường được dùng làm giá đỡ hay vật liệu mài.
Có thể hút nước do thành phần đất sét có cấu trúc dạng vảy xếp chồng lên nhau.
Những sản phẩm được làm từ gốm có khả năng chịu nhiệt rất tốt, độ nóng chảy cao, hệ số giãn nở thấp.
Gốm và những ứng dụng trong đời sống con người
Trong văn hóa đời sống người Việt, bạn có thể thấy những sản phẩm làm từ gốm hiện hữu khắp nơi từ đồ dùng ăn uống, lõi lọc nước, bếp núc đến cả những sản phẩm phục đời sống tinh thần như tượng gốm, tranh gốm hoặc những công trình nhà cửa như gạch ngói hay được áp dụng trong ngành công nghiệp điện tử. Rất nhiều, rất nhiều nước trên thế giới đều có sự xuất hiện của đồ gốm chứ không riên gì Việt Nam.
Nếu xét về ứng dụng trong đời sống thì chúng ta có thể chia gốm thành 4 nhóm chính:
- Gốm phục vụ cho nghệ thuật: những vật phẩm như tượng gốm tranh gốm, đĩa gốm….
- Gốm dùng trong kiến trúc dễ nhận ra nhất như gạch, ngói, gạc trang trí, gạch thông gió,..
- Đồ gốm gia dụng: đây là những vật phẩm mà hầu như nhà nào cũng có như nồi niêu, chén bát, ly tách,…
- Gốm kỹ thuật ví dụ như gốm cách nhiệt, gốm chịu nhiệt hoặc trong những thiết bị điện tử, máy móc.
Những phương pháp tạo hình đồ gốm hiện nay
Trải qua lịch sử hình thành lên đến hàng vạn năm, nhân loại đã đúc kết được rất nhiều phương pháp tạo hình đồ gốm từ thủ công đến tiên tiến như: Tạo hình bằng tay, tạo hình bằng bàn xoay gốm, ép hạt, đúc phun, tiện ép ngang, tiện ép dọc, tạo hình bằng máy đầu lăn, đúc áp lực, ép búa thủ lực, đúc nước áo và thậm chí tạo hình bằng công nghệ in 3D tiên tiến.
Gốm Việt Nam – Một truyền thống có từ lâu đời
Theo các nghiên cứu khảo cổ thì nghề gốm Việt Nam có lịch sử hơn 10.000 năm (Giai đoạn văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn), được nhận định là một trong những quốc gia có nghề gốm xuất hiện khá sớm.
Thời tiền sử thì đồ gốm Việt Nam phần lớn là gốm mộc, nặn bằng tay, được nung ở ngoài trời với nhiệt độ khoảng 700oC, xương gốm thô, chủ yếu được làm từ đất trộn với vỏ nhuyễn thể và bã thực vật. Cùng với đường nét hoa văn trang trí đơn giản như các vạch chéo, sóng nước, răng lược.
Và trong quá trình phát triển theo thời gian, nghề gốm Việt đã có những bước trở mình khi chuyển từ cách tạo hình thủ công nặn tay sang tạo hình bằng bàn xoay. Nhờ cách làm này mà đồ gốm Việt Nam có thêm sự phong phú về chủng loại và kiểu dáng sản phẩm. Quá trình này phải kể đến đồ gốm xuất hiện ở giai đoạn Tiền Đông Sơn ( văn hóa Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun).
Những vật phẩm làm từ gốm thời tiền sử như các sản phẩm đun nấu, chứa đựng, dụng cụ ăn uống, trang sức, công cụ lao động, thậm chí cả gốm dùng trong mỹ thuật. Có thể thấy, đồ gốm rất phổ biến trong đời sống con người thời kì đó, và nghề gốm xứng đáng là một nghề thủ công chứa đựng rất nhiều tinh hoa dân tộc.
Cho đến hiện nay, nghề gốm đã có lịch sử lâu đời và là một dòng chảy riêng biệt, hội tụ những tinh hoa văn hoá dân tộc, đồ gốm Việt Nam trở thành đối tượng được các nhà nghiên cứu, hiếu cổ say mê và dành nhiều thời gian, tâm sức để nghiên cứu, sưu tầm, hình thành những bộ sưu tập giá trị. Có thể nói lịch sử mỹ thuật Việt Nam được phản ánh phần lớn qua đồ gốm.
Hiện này nhắc đến đồ gốm thì không ai không biết tới làng gốm Bát Tràng, một làng nghề xuất hiện từ thế kỷ 14 vẫn luôn giữ được sức sống bền bỉ nhờ có một thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những loại hình đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí, đồ đặt hàng phù hợp thị hiếu. Vì vậy, Bát Tràng là một trong số ít các trung tâm sản xuất gốm truyền thống vẫn tồn tại và phát triển đến tận ngày nay. Nếu nhắc đến Bát Tràng, người ta sẽ nghĩ ngay đến dòng gốm men rạn, có thể coi đó là thương hiệu truyền thống của Bát Tràng.